8.1. 08 tips để học tập trực tuyến thành công tại FUNiX

"Để hoàn thành khóa học trực tuyến, người học cần hai thứ: năng lực tự định hướng, duy trì động lực, và khả năng tự học online. Họ phải từ bỏ thói quen học thụ động, trôi theo dòng nước và xây dựng thói quen học chủ động, độc lập. Malcolm Knowles nói “Most of us only know how to be taught, we haven’t learned how to learn”. Nếu có hai năng lực trên, người học sẽ có thể học bất cứ thứ gì họ muốn" - TS. Phan Phương Đạt – Cựu Giám đốc FUNiX

FUNiX xin chia sẻ 8 tips giúp bạn học trực tuyến hiệu quả hơn:

  • Trau dồi khả năng tự định hướng

  • Xác định mục tiêu rõ ràng

  • Quan sát và tự đánh giá động lực học của mình

  • Kết nối với thành viên của cộng đồng

  • Kiểm soát suy nghĩ tiêu cực về bản thân

  • Quản lý sự phân tâm, tạo môi trường thích hợp cho việc học

  • Rèn luyện sự tập trung

  • Quản lý thời gian, hiểu tầm quan trọng của việc lập kế hoạch và biết cách lập kế hoạch cho việc học

1. Trau dồi khả năng tự định hướng

Bước vào đại học, sinh viên chuyển sang một giai đoạn hoàn toàn mới: tự học tập - tự nghiên cứu. Để làm được điều này, các em cần có năng lực tự định hướng việc học. Hầu hết giảng viên đại học đều mặc nhiên coi sinh viên của mình đã có sẵn khả năng đó mà không cần hướng dẫn thêm.Tuy nhiên trên thực tế, khả năng tự định hướng học tập cần có quá trình rèn luyện từ các cấp học phổ thông, trong khi giáo dục của Việt Nam chưa làm được điều đó. Vì vậy có một khoảng cách khá lớn giữa kỳ vọng của giảng viên và khả năng của sinh viên, gây khó khăn cho việc nâng cao hiệu quả học tập của sinh viên.

Theo Knowles, học tập tự định hướng là một quá trình cá nhân chủ động (có hoặc không có sự trợ giúp của người khác) phán đoán nhu cầu học tập, thiết lập mục tiêu học tập, xác định các nguồn tư liệu học tập hoặc người hỗ trợ, chọn chiến lược học tập thích hợp và đánh giá được kết quả học tập. Hội đồng nghiên cứu quốc gia Mỹ chỉ ra rằng định hướng là một phần của siêu nhận thức, còn siêu nhận thức chỉ quá trình phản tư (reflection) và định hướng lên suy nghĩ của con người. Trong cuốn sách của mình, Cross viết: “70% người lớn học theo kiểu tự định hướng”. Theo Chi và các cộng sự (Chi et al., 1989), các sinh viên mới hầu như không lập kế hoạch, lãng phí nhiều thời gian vì không biết bắt đầu việc học từ đâu, dẫn đến thực hiện các bước không hiệu quả. Các nghiên cứu của Bielaczyc, Pirolli, Brown (1995) cũng chỉ ra rằng sinh viên được dạy cách giám sát kế hoạch học tập sẽ có kết quả học tập tốt hơn những sinh viên không được hướng dẫn việc này

Theo các nghiên cứu, khả năng học tập tự định hướng là yếu tố quyết định trong học tập trực tuyến, do đó các sinh viên FUNiX có thể tra cứu thêm các mô hình học tập tự định hướng hiệu quả để chuẩn bị hành trang học tập tốt nhất cho mình và sẵn sàng vươn tới thực hiện ước mơ mong muốn của bản thân.

2. Xác định mục tiêu rõ ràng

Trong bất cứ công việc gì, đặc biệt là việc tham gia theo học một khóa học tại trường ĐH trực tuyến FUNiX, nếu bạn muốn thành công thì bạn cần phải đặt mục tiêu. Bởi khi không có mục tiêu rõ ràng bạn sẽ rất dễ bị mất tập trung và thiếu định hướng. Nếu bạn không biết mục tiêu là gì, thì bạn sẽ cầm chắc trong tay sự...thất bại. Không có mục tiêu, bạn sẽ chẳng biết mình phải đi con đường nào, cuối cùng lại đi những con đường vòng vèo, loanh quanh để rồi phải lỡ dở những dự định và ước mơ của mình.

Mục tiêu không chỉ giúp bạn định hướng và sắp xếp lại những công việc theo thứ tự cần ưu tiên trong cuộc sống, mà còn là chuẩn mực để bạn biết mình có thực sự thành công hay không. Bí quyết học của những học học viên giỏi và thành công ở FUNiX đều nằm ở điểm họ có động cơ học tập cao, mục tiêu học tập rõ ràng.

Mục tiêu khác với mong muốn bạn nhé. Mong muốn hoàn thành chứng chỉ cũng là tốt, bạn có thể chia sẻ với bạn bè, với người hướng dẫn, với Hannah mong muốn này, nhưng khoảng cách từ mong muốn đến hiện thực là cả một quãng đường dài. Bạn không thể mong muốn, ước ao, và chỉ ngồi đợi điều kỳ diệu xảy ra. Nhiều học viên chia sẻ rằng em rất muốn hoàn thành Chứng chỉ. Nhưng ngày tháng mở chứng chỉ trôi qua, bạn vẫn loay hoay với những công việc, trường lớp, gia đình, những sự kiện.. mà không thể nào tập trung cho việc học FUNiX. Mặc dù ban đầu quyết tâm của bạn cũng rất cao. Nguyên do ở đâu vậy? Đúng như bạn đoán điều mà tôi đang chuẩn bị nói. Đó chính là việc không đặt mục tiêu một cách nghiêm túc hoặc không biết cách thiết lập mục tiêu rõ ràng. Một trong những phương pháp thiết lập mục tiêu hiệu quả cho việc học ở FUNiX là thiết lập mục tiêu SMART (Cụ thể, đo lường được, khả thi, thích hợp, có khung thời gian).

Chắc hẳn bạn đã từng nghe nói về mục tiêu SMART rồi. Vậy bạn hãy tìm đọc thêm về phương pháp này và thử đặt mục tiêu cho mình xem mình sẽ hoàn thành chứng chỉ trong bao nhiêu tháng, rồi chia nhỏ: hoàn thành một môn của CC trong bao lâu; hay mục tiêu tuần này của bạn là giải quyết bài tập nào? Hoặc một phần bài học này tôi sẽ xong trong bao nhiêu lâu.

Song song với đó, bạn hãy nhớ mục tiêu của mình cần tạo được động lực, khuyến khích bạn muốn hoàn thành, hãy ghi nhớ mục tiêu của mình ra giấy, lập kế hoạch hành động, và bám sát theo mục tiêu của mình bạn nhé!

3. Quan sát và tự đánh giá động lực học của mình

Thiếu động lực là một trong những vấn đề lớn nhất là bạn giải quyết trong quá trình học. Nếu không đủ động lực nội tại, có thể bạn sẽ rơi vào nỗi chán nản tuyệt vọng, cảm thấy việc vượt qua khối lượng lớn bài học, điều kiện cần để thi hết một môn, đạt được bằng cấp, chứng chỉ là bất khả thi. Điểm mấu chốt để hiểu được tình trạng thiếu động lực là tìm ra lý do. Đằng sau nó mỗi người có thể có các lý do khác nhau. Bạn có thể thiếu động lực ở một vài môn học nhất định, hoặc ở tất cả các môn của cả khóa học. Một số nguyên nhân phổ biến bao gồm:

- Bạn đang mệt mỏi và căng thẳng có quá nhiều việc phải làm

- Bạn có những việc khác thú vị hơn để làm

- Bạn thấy môn học thật nhàm chán hoặc không thích nó vì vài lý do khác

- Bạn không thích mentor của môn này

- Bạn cảm thấy việc học không quan trọng

- Sức khỏe của bạn không ở trạng thái tốt nhất hoặc bạn thiếu ngủ

- Bạn sợ thất bại

Khi thấy mình gặp bất kỳ vấn đề nào ở trên, hãy tìm xem điều gì dễ tạo động lực cho bạn nhất

- Chia sẻ và tâm sự với Hannah để được động viên tinh thần

- Nhận được các nhận xét tốt từ phía các chuyên gia hướng dẫn như mentor, cấp trên..

- Được bạn bè hay cha mẹ của mình ghi nhận

- Nhận được phần thưởng ngắn hạn như nhận được các giải thưởng nho nhỏ của FUNiX hoặc tự thưởng cho bản thân mình.

- Đạt được thành công dài hạn là khi đạt điểm cao và được nhận vào làm việc ở nơi mà bạn mong muốn..

Khi bạn biết nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu động lực của mình và hiểu được điều gì thôi thúc bạn tạo ra kết quả, bạn sẽ có nhiều khả năng giải quyết vấn đề hơn cả. Những thành công lớn đều bắt nguồn từ vấn đề động lực.

Hãy đặt mục tiêu và giữ vững động lực thúc đẩy bạn, tìm mọi cách để truyền lại cảm hứng cho chính bản thân mình.

4. Kết nối với thành viên của cộng đồng

Một cách hay để giữ động lực học tập đó là trở thành viên của một cộng đồng. Điều này không chỉ giúp bạn xóa cảm giác cô độc. Ở đó còn có những người đang vật lộn với cùng một vấn đề mà bạn đang gặp phải. Bạn cũng có thể xem những những trải nghiệm tương tự của người khác. Việc này sẽ thúc đẩy bạn duy trì động lực khi học code. Bởi vậy bạn có thể tham gia vào cộng đồng community trực tuyến của FUNiX qua các group học tập online.

Trong khi bạn tìm kiếm cộng đồng IT trực tuyến, đừng quên kết nối trực tiếp với họ! Hãy tham gia vào các buổi họp mặt hoặc các sự kiện khác liên quan đến lập trình ở gần bạn. Gặp gỡ các lập trình viên khác, các xTer và mentor tại các buổi offline thực sự mang lại nhiều lợi ích cho bạn. Bạn sẽ có thể nói về các khó khăn thường gặp và chia sẻ với họ cách để khắc phục chúng.. Hãy sẵn sàng tham dự sự kiện Networking (xDay/xTour) được tổ chức hàng tháng bởi FUNiX, hoặc tham dự những buổi học với các xTer tại địa phương bạn hàng tuần. Nếu chưa có nhóm offline, bạn có thể kêu gọi và khởi xướng tổ chức một nhóm nhỏ bằng cách hô hào trên group, chắc chắn sẽ có nhiều xTer ủng hộ và không biết chừng bạn sẽ tìm được một bạn học là “cạ cứng” của mình để trở thành đôi bạn cùng tiến tại FUNiX nữa.

5. Kiểm soát suy nghĩ tiêu cực về bản thân

Không so sánh bản thân mình với học viên khác.

Nhiều bạn thường bị sao nhãng, lo lắng, chán nản khi tự mình so sánh với những học viên khác đặc biệt là về tốc độ học. Rõ ràng, bạn không thể vờ như không thấy những gì người khác đang làm được. Nhưng hãy thử để không cảm thấy như bạn phải theo kịp với người khác. Thật không tệ khi nhìn thấy thành công của người khác trong hành trình của họ. Chúng có thể truyền cảm hứng và động lực cho bạn. Nhưng nếu bạn bắt đầu cảm thấy thất vọng về bản thân, hoặc cảm thấy ghen tuông nếu ai đó có vẻ tiến xa hơn bạn, bạn sẽ nhanh chóng chán nản.

Mỗi người đều có một hoàn cảnh khác nhau và tiến bộ với tốc độ khác nhau. Một số người sẽ có nhiều thời gian hơn bạn, hoặc có thể nhanh hơn trong việc học. Những người khác sẽ có ít thời gian hơn hoặc học chậm hơn bạn. Không ai tốt hơn người khác.

Làm thế nào để sự nhanh hơn hoặc chậm hơn người khác không ảnh hưởng đến bạn? Mặc dù điều đó khó khăn, nhưng đừng lo lắng về cuộc hành trình của người khác. Bạn chỉ cần lo lắng về hành trình của riêng bạn.

Dừng tự ti về tuổi tác hay kỹ năng, kinh nghiệm học của mình.

Nếu bạn còn lo lắng về tuổi tác ảnh hưởng đến việc học của bạn ở FUNiX hay con đường sự nghiệp tương lai của bạn, thì bạn hãy làm quen với những đồng môn cùng lứa tuổi, đọc lại những bài viết FUNiX về kinh nghiệm và sự thành công của những bạn có cùng hoàn cảnh như mình tại fanpage và trang blog này của FUNiX nhé.

6. Quản lý sự phân tâm, tạo môi trường thích hợp cho việc học

Ngày nay có quá nhiều yếu tố gây phân tâm xung quanh bạn và tới nỗi chúng ta không cảm thấy ngạc nhiên gì khi nhiều người học cảm thấy bị phân tâm. Gia đình, công việc, mạng xã hội, bạn bè, điện thoại, tivi, trò chơi điện tử, và các cuộc đi chơi, tất cả đều góp phần làm giảm khả năng tập trung của ta. Nếu bạn cảm thấy năng suất học tập của mình bị ảnh hưởng xấu từ quá nhiều yếu tố gây phân tâm đây là lúc thay đổi môi trường của bạn thành một nơi thuận lợi hơn cho việc học hơn.

Tạo môi trường thích hợp cho việc học là giải pháp tương đối dễ dàng giúp bạn vượt qua tác động của tất cả những phiền nhiễu bên ngoài này. Hãy loại bỏ những thứ bạn biết là điểm yếu của bạn khỏi không gian học tập. Nếu bạn thấy không thể hoàn thành công việc ở nhà thì có nhiều yếu tố gây xao lãng thì hãy thử làm việc ở nơi khác như thư viện hay như quán cafe sách có kết nối internet chẳng hạn.

7. Rèn luyện sự tập trung

Nếu cảm thấy khó tập trung ngay cả khi loại bỏ được sự phân tâm thì bạn vẫn có thể gặp khó khăn trong việc tập trung. Việc mất tập trung làm giảm mạnh năng suất. Nhiều xTer có lẽ đều quen cảm giác ngồi vào bàn làm việc, nhìn chằm chằm vào màn hình mà không thể bắt đầu học, tâm trí thì cứ lan man.

Trì hoãn là một trong những triệu chứng thiếu tập trung. Nếu bạn thấy mình liên tục kiểm tra Facebook hoặc nhắn tin, dù bạn biết bạn phải làm việc thì đó là dấu hiệu chắc chắn cho thấy bạn cần phải thực hiện các bước cải thiện mức độ tập trung của mình.

Cũng giống như thiếu động lực việc khó tập trung có thể bắt nguồn từ một lý do nếu bạn không thể tập trung với tâm trí đang nghĩ gì đó bạn cần cố gắng gạt bỏ hết mọi thứ trong đầu trước khi bắt đầu học. Nếu không nó sẽ cản trở năng suất học tập của bạn. Hãy nhận biết vấn đề và ghi ra giấy hoặc nói chuyện với ai đó (như Hannah chẳng hạn) về vấn đề của bạn. Đôi khi đứng dậy, đi bộ hoặc tập thể dục cũng có thể giúp bạn giải stress trước khi cố gắng bắt đầu học. Nếu đó là một vấn đề cá nhân nghiêm trọng hơn thì việc trò chuyện với người cố vấn có thể giúp bạn giải tỏa hoặc giúp bạn nhìn nhận vấn đề từ góc độ khác để kiểm soát hơn.

Có một lý do khác gây thiếu tập trung là việc bạn thấy quá áp lực, có thể bạn thấy nhiệm vụ của bạn lớn đến nỗi bạn không biết bắt đầu từ đâu trong khi deadline càng tới gần. Cách hay để xử lý vấn đề là hãy chia công việc thành những nhiệm vụ nhỏ dễ quản lý hơn, chẳng hạn thay vì đặt nhiệm vụ để hoàn thành cả 4 môn của chứng chỉ chỉ trong 4 tuần còn lại, hãy chia nó thành các mục tiêu nhỏ dễ đạt được hơn.

8. Quản lý thời gian, hiểu tầm quan trọng của việc lập kế hoạch và biết cách lập kế hoạch cho việc học

Việc học ở bất kỳ cấp độ nào, môi trường nào cũng đòi hỏi bạn phải quản lý tốt thời gian, đặc biệt là khi bạn đã đăng ký tham gia học trọn vẹn một khóa học trực tuyến tại FUNiX. Nếu bạn cảm thấy mình phải chật vật để kịp thời hạn, cảm thấy quá tải với công việc hay thường xuyên phải thức khuya để hoàn thành bài tập về nhà, thì đây là dấu hiệu cho thấy bạn cần cải thiện kỹ năng quản lý thời gian của mình. Điều này nghĩa là bạn cần có tổ chức hơn, lập một danh sách những điều cần làm và thời hạn hoàn thành, và bắt tay vào làm bài tập ngay sau khi lên kế hoạch thay vì trì hoãn. Nó cũng có nghĩa là bạn phải có kỷ luật hơn với thói quen của mình: dậy sớm hơn, lên kế hoạch từng ngày và tận dụng tối đa thời gian ngoài giờ làm việc hoặc học tập ở trường lớp chính để phân bổ cho từng môn học của khóa học online.

Last updated